Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 89: Không



Điện thoại rung lên, là thằng Kiên gọi tới.

Tôi bắt máy: "Sủa!"

"Đang đéo đâu đấy?" Kiên hỏi.

"Ngoài đường." Tôi đáp.

Kiên vào vấn đề: "Có thằng khách muốn lên bít lưng, thoả thuận xong xuôi là tao xăm rồi, bây giờ đổi ý, chỉ đích danh mày, có nhận không?"

Thằng Kiên xăm còn đỉnh hơn cả tôi, chẳng qua tôi là chủ, còn đứng ra đi thi lấy tiếng nên nhiều người vẫn nghĩ tôi xăm đẹp nhất.

Riêng về mảng xăm, tiệm tôi có năm thằng chủ chốt, chi nhánh thứ nhất có thằng Kiên, chi nhánh thứ ba có Ái Nghi, Viễn, Thắng đều cứng tay đứng thầy dạy được nên tôi mới dư ra thời gian làm nội thất. Mỗi lần ai chỉ định năm người bọn tôi xăm thì đều phải trả thêm phí, dĩ nhiên phí thiết kế cũng phải tính riêng, không thì cứ xăm hình có sẵn tính giá theo kích thước, diện tích hoặc để thợ khác xăm thì giá như mặt bằng chung những nơi khác thôi.

"Không, bên kia đang bận." Ý tôi là chi nhánh 3, đang đợt đào tạo học viên mới, tuy có thợ và học viên cũ ở lại vừa xăm vừa kèm nhưng thời gian đầu tôi vẫn phải theo sát.

Kiên nói: "Trông cũng có tiền, nếu là mày thì trả gấp đôi đấy."

Nghe đến tiền, tôi lập tức đồng ý: "Được. Nhưng mày kêu nó đợi bé Nga xếp lịch đi."

Nga là nhân viên nữ, chuyên nhận lên lịch, rất giỏi sắp xếp, kể cả mảng website cũng do em ấy quản lý, nhưng bị một cái là hay thoắt ẩn thoắt hiện cứ như người âm. Nhiều lần tôi nói tế nhị thì bị nó chống nạnh sạc lại: "Anh kiếm đâu ra người vừa hiền vừa giỏi như em không? Có tài có sắc mà làm việc chỉn chu đâu ra đấy thì đi nơi khác họ trả lương gấp mười kia kìa."

Đúng là tôi trả lương thấp thật, nhưng là do sau khi hết thời hạn thử việc tôi có tăng lương mà Nga không nhận, sau đó đi trễ về sớm nghỉ bất thình lình nên tôi phải trừ vào tiền lương để răn đe. Răn vậy nhưng nó không sợ, còn bảo "anh cứ việc tịch thu hết lương của em đi, nhà em chẳng có gì ngoài điều kiện cả."

Chỗ tôi cũng tính là doanh nghiệp do mở cửa hàng theo dạng hệ thống thì phải làm đúng Luật nhưng hoàn toàn không phải công ty chuyên nghiệp, tôi cũng thoáng, miễn công việc hoàn thành đầy đủ là được, mà kể cả công ty như chỗ tôi làm thiết kế nội thất cũng dễ vô cùng, cho tôi ở nhà làm tự do có thời gian khởi nghiệp kia kìa. Căn bản là tiệm tôi có một kế toán nữa là nữ, đi làm đúng giờ chấm công, không thích kiểu người lượn như chim giống Nga nên ngày ba bữa đều tìm tôi cằn nhằn, còn gợi ý tôi nên đuổi việc, rất đau đầu.

Sau này Nga và bé kế toán cự cãi gì nhau không biết, vậy là kế toán giận dỗi nghỉ ngang. Tiệm tôi vừa đến mùng 5 phát lương, cả ba chi nhánh nhân viên hơn trăm người, nếu tính hai tiệm xăm thì tôi còn thống kê được, đằng này tiệm của Lưu Ly lấn sang cả mảng phun thêu, rất nhiều nhân viên mới tôi không biết, danh sách lương bị kế toán xoá sạch. Tôi muốn xù đầu đến nơi, may mà Nga ra tay, cùng tôi làm trong một ngày là xong hết. Tôi biết sợ rồi, tính tuyển thêm ba kế toán cho ba chi nhánh tách ra, nhưng Nga dõng dạc vỗ ngực "để em", còn kiêm thêm khoản hải quan thuế má. Từ đó chúng tôi phong em ấy là thần, tôi cũng không bao giờ dám hó hé gì nữa vì sợ thiên tài chạy mất.

Số tôi cũng kì, bên chi nhánh 3 còn một thằng độc lạ y hệt như vậy nữa, tên Tiến. Ban đầu nó học xăm nhưng không biết vẽ, tôi tặc lưỡi cho qua vì có rất nhiều người không vẽ tốt nhưng đam mê xăm, sau thời gian đêm ngày tôi luyện sẽ vẽ đúng, cứ vậy cố gắng thì thành thợ xăm vẫn ổn. Nhưng qua ba đợt đào tạo mà nó vẫn không tốt nghiệp, tôi mới biết Tiến nào có đam mê xăm, suốt ngày đi muộn về sớm, đang tập đi nét cũng quăng da giả phóng xe chạy biến đi bất thình lình.

Tôi chào thua, không dạy nổi nữa, còn trả lại tiền khoá vừa rồi. Nhưng Tiến bảo nó là dân phá gia chi tử, đi học nghề cho ba mẹ vui, "anh có tâm nên mới dạy em tận tình, bây giờ sang tiệm khác người ta cho em tốt nghiệp rồi ba mẹ về phấn khởi mở tiệm, lúc đó lại không phải thêm một lần phá sao?"

Tôi mủi lòng, coi như giúp bố mẹ nó một phen, đồng ý cho nó ở lại làm chân pha trà rót nước tư vấn khách. Nhưng cũng đau đầu, đang tư vấn mà nghe điện thoại một cái là mặt hình sự như nghe tin có án mạng, còn quăng cả catalogue vào mặt khách rồi chạy trối chết tưởng đâu tiệm cháy tới nơi. Tôi phải liên tục dành thời gian khuyên can nó, nếu có chơi Bitcoin thì nên dừng chân trước vực kẻo có ngày lênh đênh dưới sông Sài Gòn lại khổ cha khổ mẹ. Tôi nghiêm túc đến đâu thì nó cười sằng sặc lên đến đó.

Kiên nói tiếp: "Còn một thằng muốn lên hình từ cổ tới mặt, trả gấp ba, nhận không?"

"Không." Tôi dứt khoát từ chối, "Gấp năm cũng không được nhận, tối đa là đến cổ. Xăm thì xăm không xăm thì biến!"

Tiệm tôi có ba nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ nhất, không xăm cho trẻ dưới 18 tuổi. Thứ hai, không xăm trên mặt, giá nào cũng không. Thứ ba, không xăm bất kì hình ảnh, từ ngữ kể cả viết tắt hay hàm ý thể hiện hành vi thù địch chống phá Nhà nước.

Kiên đáp ứng, dặn tôi: "Mày ghé sang chỗ thằng Thắng lấy ít Bactine về đây. Bên này hết rồi."

Tôi khó hiểu: "Làm sao mà hết được? Mới nhập hàng đây mà." Chi nhánh 3 lớn gấp đôi bên này còn chưa hết nữa.

Giọng Kiên bực bội: "Con chó Ly cho người sang hốt hết rồi, thấy bảo có khách mua sỉ."

Trước đây Lưu Ly cũng chơi với Kiên khi ở quê nhà, nghe xưng hô là đủ biết thân cỡ nào rồi. Nàng gọi chàng một tiếng đĩ đực còn chàng trìu mến kêu nàng là đĩ chó.

Bên chỗ Lưu Ly hiện tại ăn nên làm ra, ngoài xỏ khuyên và kinh doanh dụng cụ phun xăm thì bữa nay tôi đề nghị làm thêm mảng phun thêu môi mày, tôi cũng góp cổ phần nên thu nhập bên đấy sau này sẽ chảy thêm vào túi mình.

Người ta nói hùn nhau vào làm dễ lục đục mất bạn, nhưng chúng tôi không hề xích mích bao giờ. Tôi, Kiên, Ái Nghi, Lưu Ly cùng nhau góp vốn gây dựng ngày càng thân thiết vững vàng. Bên chi nhánh 3 quất hẳn căn nhà mấy tầng to đùng là do đại gia Ái Nghi cuối cùng cũng thèm ra trường mà nhảy vào đầu tư chung.

Lúc chuẩn bị cúp máy, Kiên nói: "À, mày khỏi mua đồ ăn sáng, chú mày cho người đem đồ ăn sang cho mày đang để đây rồi."

Hồi nãy chú hỏi ăn chưa là vì vậy sao? Tôi nhắn cảm ơn nhưng chú ấy không hồi âm.

Lúc này tôi mới mở tin của Diệu Hiền ra xem: "Ta đa! Ngạc nhiên chưa?"

"..."

Khi nào gặp được nhỏ này tôi phải quất cho nó một trận mới được. Tài lanh là giỏi!

Tôi nhắn sang: "Gọi nói chuyện được không chị hai?"

Mấy giây sau má hai của tôi gọi tới.

Mở đầu là giọng cười hô hố không giống con gái hiền thục chút nào.

Hiền hỏi: "Sao vậy? Gặp Tuấn Anh vui quá nên gọi cảm ơn tớ à?"

Tôi lảng tránh: "Bình thường. Lâu quá không gặp, thấy lạ hoắc, chả biết nói gì. Rồi chị hai ở đâu để em sang thỉnh chị hai về?"

"Ha ha ha ha Chị vẫn ngoài này, dời lịch rồi, chừng nào vào chị báo với cưng sau hen. À mà vào cũng là công việc chứ chưa được nghỉ ngay."

"Sao dời miết vậy?"

"Thì hỏi mấy ông bên trên chứ tớ có quyết định được đâu. Mệt vãi~ Với lại mấy bữa nữa cũng ở Nhà Khách theo đoàn, chừng nào xong việc mới thoát ra thở được."

"Nhưng tối nghỉ thì vẫn được ra ngoài chứ?"

"Ừ, được, chẳng lẽ lại nhốt mình như chó."

Tôi phì cười, "Vậy chừng nào vô nhớ hú, An với đám Lưu Ly qua dẫn đi ăn đi chơi."

"Ừ, đương nhiên." Giọng Hiền vui vẻ: "Mà này, thằng Tuấn Anh khác trước nhỉ? Eo ơi nhìn cao như mấy thằng Tây bên bển luôn á! Nó ăn cái gì mà lớn lên đẹp trai thế không biết?"

Hồi nhỏ Tuấn Anh cũng đẹp mà, đẹp từ trong trứng sẵn rồi.

Tôi hời hợt: "Ừ, cũng được."

"Cũng được là thế nào? Đẹp mà! Lúc nó qua chỗ Hiền, cả đám kể cả mấy bà có chồng đều phải xuýt xoa một tiếng khen đấy!"

Trước đây Diệu Hiền không ưa Tuấn Anh, lúc nào cũng chê cậu ấy xấu, bây giờ ngay cả Hiền cũng phải tấm tắc khen thì chứng tỏ cậu ấy dậy thì thành công.

Nhưng thành công hay thất bại thì sao chứ? Dù sao cũng không liên quan đến tôi.

Hiền lại hỏi: "Thế hai người ôn lại chuyện xưa đến đâu rồi? Có hẹn ăn trưa ăn tối hú hí gì không?"

"..."

Bà nhỏ này, sau bao nhiêu đời bồ rồi mà nói chuyện vẫn tào lao y như xưa, không hề thay đổi.

Hai thằng con trai với nhau mà hú hí cái gì?

Dùng từ rất dễ gây hiểu lầm.

Tôi nói đại khái lảng tránh: "Có gì đâu mà ôn. Từ hồi cấp ba mỗi lần Hiền hỏi tớ đã nói là quên hết sạch rồi còn gì. Bây giờ nhớ nổi mới sợ!"

"Thì không nhớ nên bây giờ mới phải hú hí cùng nhau ôn lại đó chứ nhớ rồi thì cứ thoải mái mà vập vào nhau thôi."

"..."

Chị hai ơi, chị ngồi ngay ngắn để em trải cái chiếu rồi chị nhận của em một lạy!!!

Hiền lại hỏi, "Thế đại gia Tuấn Anh đã mời đi ăn chưa? Nghe nói nó làm to lắm, tranh thủ ăn nhiều nhiều lên, bào dữ vào cho lại vốn."

"..."

Vốn nào? Tôi có bỏ vốn gì đâu?

Ai mà dám bào người đã có gia đình chứ!

"Alo... alo alo... Đệch nữa cái chỗ quái quỷ này bàn chuyện phạm pháp hay sao mà cắt hết sóng thế nhỉ? Leo lên tận mái nhà rồi mà vẫn không nghe thấy gì... alo..."



"..."

Leo mái nhà?

Chúa ơi!

Nhưng vì không muốn bàn sâu về chuyện Tuấn Anh nữa nên tôi ráng im re luôn.

Hiền hét lên: "An ơi! Alo! Tui nói đồng bào nghe rõ không? Rồi thằng này nó giàu nó không cúp máy luôn ta ơi~"

Sau đó Hiền hát một khúc, phải cả hai phút sau mới hét chói tai: "Aaaaa! Đậu má! Nãy giờ là mình gọi mà! An ơi là An~ không nghe thấy gì thì phải tắt máy đi cho mẹ chứ! Con ơi là con! Vào trong Nam một cái phải tét sưng cái đít cho biết mặt!"

Tôi bụm chặt miệng cười, cố không phát ra tiếng động.

Cúp máy xong tôi mới nhận ra, nãy giờ mình bị thằng Kiên sai đi như con, rồi ai mới là chủ đây? Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng vẫn ngậm ngùi phóng đi lấy đồ.

Tới tiệm, thấy Ái Nghi đang bắc ghế ngồi ngay bên cạnh nhìn Kiên ăn sáng, tôi hỏi: "Rồi thằng Nghi sang đây mà sao mày không sai nó đem đồ qua?"

Kiên dịch cái ghế ra xa một chút, hục đầu ăn phở, nói: "Nó ở đây từ tối qua."

Tôi cạn lời nhìn sang, Ái Nghi cũng chớp chớp mắt cười trừ rồi tiếp tục ôm ghế ngồi gần vào Kiên. Hỏi: "Ngon không anh?"

Kiên không thèm nhìn, đáp: "Nếu không có mày ở tiệm thì ngon miệng hơn."

Ái Nghi cũng không tự ái, mỉm cười: "Em đâu có ở tiệm, em ở trong tim anh mà."

Thằng Kiên ho một cái văng một đống đồ ăn ra bàn, tôi ngồi phịch xuống sofa mà ôm bụng cười.

Ái Nghi theo tôi từ những ngày đầu, trước đây làm ở tiệm này, sau đó Kiên nói có Nghi ở đây nó không tập trung được nên tôi mới phải thảy Nghi sang bên kia.

Kiên không kì thị Ái Nghi nhưng có nói thẳng không có tình cảm yêu đương với thằng bé rất nhiều lần rồi, trước đây Kiên có quen lần lượt hai người, đều là nữ giới, hiện tại đã chia tay.

Tôi khuyên Ái Nghi nên từ bỏ vì Kiên là trai thẳng, nhưng Nghi nói nước chảy đá mòn, "mỗi lần em ghẹo là tai anh ấy đỏ, chừng nào ảnh quen bạn gái khác thì em mới ngưng."

Tôi vô thức sờ lên vành tai mình, nhớ ngày xưa mỗi lần Tuấn Anh chọc ghẹo, tai tôi cũng luôn nóng hừng hực. Nghĩ vậy, tôi mặc kệ hai người.

Để ý kỹ, Kiên có một thái độ lấp lửng, không hẳn là mập mờ nhưng lại dung túng với mấy trò mèo của Ái Nghi. Tôi không rõ nữa, cũng có thể là do tính Kiên văn minh, chỉ là hoà đồng lịch sự cho Nghi đỡ tổn thương.

Trai theo Ái Nghi phải nói là xếp hàng dài đếm không hết, chủ yếu trong vòng bạn bè khá giả ăn chơi, nhưng gu của Nghi phải là trai nghèo có chí cầu tiến.

Tôi hỏi Kiên: "Ăn sáng trễ vậy?"

Kiên ôm tô đứng ra ngoài cửa: "Ừ, sáng giờ bận vãi lúa."

Tôi hỏi Ái Nghi: "Rồi sao em qua đây chi?" Lại còn là qua từ tối, phải nói là buổi tối ở đây chỉ có mình thằng Kiên ngủ lại thôi đó.

Nghi vừa dọn bàn vừa cười, đáp: "Bên kia ế khách, em qua ngủ chung với anh Kiên cho ấm."

Thằng Kiên lại ho thêm mấy lượt, nạt vào: "Mày đừng có mà ăn nói bậy bạ! Hôm qua tao với mày mỗi thằng một phòng!"

Ái Nghi lên ngồi cạnh tôi, kể: "Hôm qua em tắm rửa sạch sẽ thơm tho, còn giấu remote máy lạnh mấy phòng khác để xin qua ngủ cùng ảnh. Mà ảnh phũ thì thôi luôn, kêu em xuống đây ngủ trên giường xăm bật quạt lên cho mát."

Tôi vừa ăn súp vừa cười.

"Em nói vẫn nóng, em ngủ máy lạnh quen rồi không chịu nổi. Phải gào cả buổi, cuối cùng cũng cho em vào."

Tôi gật gù: "Hấp dẫn vậy! Rồi sao nữa?"

"Còn sao được nữa! Em vào thì ảnh đi ra, ôm gối ngủ trên cái ghế này nè. Em nhìn mà tức hộc máu. Người gì đâu mà ngốc muốn chết! Em vừa nhiều tiền vừa đẹp trai mà không chịu ôm. Tối lửa tắt đèn thì trai cũng như gái thôi, mềm mại là được, đúng không anh An?"

Tôi tiếp tục gật: "Đúng. Thằng này nó khờ lắm!"

Kiên trừng mắt chỉ tay vào mặt tôi, tức không nói nổi nên bỏ vào trong làm. Đến lượt thằng khác ra ăn.

Tôi với Nghi cùng cười phá lên.

Tôi nói nhỏ: "Thôi tém tém lại đi, coi chừng nó giận. Đợi anh ăn xong rồi sang bên kia kèm học viên cùng anh, nãy anh từ bên đó qua thấy đông chứ ế hồi nào."

Nghi cười cười, mặc xác vế sau, "Không đâu, ảnh xấu hổ đó. Có tiến triển rồi."

"Tiến triển?" Tôi ngạc nhiên.

Ái Nghi gật đầu, ghé vào tai tôi, thầm thì: "Anh Kiên mở máy lạnh dữ lắm, em giận dỗi bỏ về phòng nên ngủ luôn quên chỉnh, tới đêm anh ấy vào chỉnh cho nhiệt độ cao lên, còn đắp chăn cho em nữa."

"Thật?" Tôi tròn mắt kinh ngạc.

Nghi gật đầu, "Thật trăm phần trăm." Nhưng rất nhanh lại chùng vai xuống, "Chỉ là sợ với ai ảnh cũng sẽ quan tâm như vậy thôi."

Một câu này, lại đánh thức tôi.

Tuấn Anh cũng là như thế, đối với ai cũng lịch thiệp tử tế. Nên từ sáng tới tận đêm mong ngóng, thực tế phũ phàng lại tát cho tôi thêm một cú.

Cũng như Diệu Hiền, tôi đã nghĩ Tuấn Anh sẽ mời mình đi ăn tối. Dĩ nhiên tôi dự định không đồng ý nhưng vẫn chờ đợi tin từ người. Tôi cũng không hiểu nổi mình nữa, sợ đối mặt nhưng khi người ta không tìm đến thì lại ôm khổ sở trong lòng.

Tôi thừa biết việc thương nhớ một người đã có gia đình là sai trái, là phạm pháp, nhưng chính tôi cũng không điều khiển được con tim mình. Tôi đã cố dặn lòng phải quên đi mà nhiều năm nay vẫn chưa làm được. Bỗng một ngày không báo trước, cậu ấy xuất hiện trước mặt tôi, nói tôi nên ăn sáng kẻo đau bao tử, hỏi tôi có thời gian không vì cậu ấy muốn gặp gỡ.

Nhưng Tuấn Anh đến rồi đi như một cơn gió, nếu không có những dòng tin nhắn này, tôi còn tưởng ảo giác của mình đã theo trí nhớ trong ảnh cưới khắc ghi trong đầu mà tự ý trưởng thành tìm tới quán cà phê.

Hôm đó, Tuấn Anh không nhắn thêm lời nào nữa.

Ngày qua ngày lại lặng lẽ biến mất như chưa từng xuất hiện.

Tôi muốn gào thét hỏi cậu ấy có ý gì?

Có lẽ nỗi ảo tưởng của tôi quá lớn, người ta chỉ theo sự sắp xếp của Diệu Hiền tiện đường thăm bạn cũ một lần mà thôi.

Mỗi ngày trôi qua, cứ vài phút tôi lại mở điện thoại ra đọc tin nhắn của Tuấn Anh một lần.

Ngày thứ ba, tôi lưu tên cậu ấy là "người dưng ngược lối", đến tối thấy sến quá lại phải xoá đi.

Lưu làm gì? Người ta có nhắn gì nữa đâu.

Ngày thứ năm, số điện thoại của Tuấn Anh đã mang tên là "thằng tồi" rồi.

Vào ngày thứ bảy từ kể từ khi gặp lại tên khốn kiếp đó, sáng sớm tinh mơ, điện thoại tôi rung liên hồi, nhìn dòng chữ "thằng chó Tuấn Anh" trên màn hình mà tôi bật người nhảy phắt dậy, tỉnh luôn cả ngủ.

Là ai?

Là ai đã lưu tên cậu ấy thành thế này?

Chắc tối qua đi nhậu, tôi đã mơ màng chửi người ta đây mà, nhưng tiềm thức vẫn còn thương, chửi vậy đó nhưng tên riêng không nỡ viết thường.

Tôi ngồi bệt xuống sàn, nhìn điện thoại đổ chuông liên tục ba lần mà không dám bắt máy.

Thằng chó này... à lộn, đầu tôi còn ong ong nên chưa tỉnh táo.

Tên khốn này gọi cho tôi làm gì?

Nhầm số à?

Nhầm lâu thế? Đã có tới bảy cuộc gọi nhỡ rồi.

Tim tôi nảy nhanh thình thịch, mỗi lần điện thoại rung lên đều cảm thấy chấn động cả người.

Cuối cùng, sau mười lần gọi, điện thoại cũng yên vị nằm im một chỗ.



Tôi lẩm bẩm: "1, 2, 3, 4, 5, 6,... 16, 17..., 47, 48,... 69, 70,... 99, 100."

Tuấn Anh không hề gọi đến thêm lần nào nữa.

Tại sao lại không gọi tiếp? Đàn ông con trai sức dài vai rộng phải kiên trì lên chứ!

Tôi thở dài, nằm ngã ngửa ra sàn, chắc người ta phát hiện ra nhầm số rồi thì phải.

Tôi cầm điện thoại lên, mang theo vào nhà tắm, để nó trên kệ rồi vừa làm vệ sinh cá nhân vừa nhìn chằm chằm, lúc đi toilet khi đứng tắm rửa cũng không rời mắt.

Nhưng chẳng có tin nhắn nào đến.

Hôm qua uống bia nên bây giờ vừa thức dậy bụng đã cồn cào đói, tôi muốn ăn bánh mì lót dạ trước rồi mới tới tiệm. Chúng tôi không nghỉ chủ nhật, làm nghề này vào ngày cuối tuần mới đông khách, sau đó chia ca ra nghỉ vào thứ hai thứ ba.

Mắt của tôi không tốt nên phải gần ra đến giữa sân mới phát hiện Tuấn Anh đang đứng lù lù trước cổng nhà mình.

Nhưng dù mắt có không tốt thế nào thì tôi cũng không bao giờ nhìn nhầm bóng lưng đĩnh đạc ấy được.

Tôi hoảng hốt, vội vàng nhảy vào bồn cây ngồi thụp xuống, lồng ngực đập mạnh kinh hoàng, thở hổn hển mà nghĩ, tại sao Tuấn Anh lại ở đây? Sao cậu ấy biết được nơi này? Là đến tìm lớp trưởng sao?

Tôi chắp tay cầu xin: "Ông Trời ơi làm ơn cho Tuấn Anh không nhìn thấy con!!!"

Sau đó rẽ tán lá um tùm ra ngó.

Phù! May quá! Cậu ấy vẫn đang nói chuyện điện thoại, ánh mắt thỉnh thoảng lại hướng về phía phòng tôi. Tôi cũng nhìn theo, lại cảm thấy may mắn lần nữa vì mình đã kéo rèm, chắc chắn khi nãy cậu ấy sẽ không thấy tôi ở bên trong làm gì đâu nhỉ?

Tôi bối rối tới nỗi không suy nghĩ ra người ở tít dưới này thì sao có thể nhìn vào trong phòng trên tầng được.

Tôi xin phép chú chủ nhà trong đầu rồi bẻ một nhánh cây che lên mặt mình. Dự định sẽ luồn, cúi, bò, trườn bằng bất cứ giá nào cũng phải vòng qua bên hông chui vào gara đi cửa sau vào nhà mới được.

Tôi phải tút tát lại vẻ đẹp trai ít ỏi trước đã, trên người đang mặc đồ ngủ pijama hình chuột Mickey ngớ ngẩn, không thể đụng mặt cái kẻ đang sơ mi đóng thùng kia được.

Nhưng vừa thò được một chân ra thì: "AN!"

Trời đất thiên địa ơi!!!

Tôi nhắm chặt mắt.

"Em làm gì trong đó vậy?" Tuấn Anh gọi với vào.

Tôi ước gì mình bị điếc.

Làm gì? Làm gì? Bây giờ tôi đang làm gì? Suy nghĩ ra câu trả lời nhanh lên!

Chui vào lùm cây thì chỉ có bắt sâu thôi, vừa nghĩ đến đây thì cả người tôi rùng mình nổi da gà, may mà cây cảnh không có sâu, vậy là vội vàng nhảy ra ngoài đứng thẳng người dậy.

Tôi làm mặt lạnh nheo mắt xuyên qua tán cây nhìn ra phía cổng, thấy khuôn mặt Tuấn Anh trông lo lắng thì cũng sửng sốt.

Cậu ấy lo cho tôi sao?

Tuấn Anh như là sốt sắng, hỏi: "Em bị ngã à? Có sao không?"

Ừ nhỉ, lý do hay đấy, cho mượn nhé?

Tôi chợt nhớ ra bộ tóc vàng của mình chắc đã bị lùm cây làm lộn xộn rồi, xù càng thêm xù trông sẽ ngu ngốc, vậy là kéo tán cây đang che mặt ụp lên đầu mình, làm bộ che nắng, lạnh nhạt hỏi: "Cậu đến đây làm gì?"

"Tôi đến thăm em."

"..."

Đệch! Đừng có nói chuyện kiểu vô liêm sỉ đó! Cậu nên nhớ cậu là hoa đã có chậu rồi!

Nhưng rất nhanh tôi lại phải tự phỉ nhổ bản thân, bạn bè cũng đến thăm nhau được mà. Tuấn Anh là đến đây với tư cách... bạn cũ, cậu ấy đã nói như vậy rồi.

"Em có sao không? Ngã có đau không?"

Tôi lắc đầu: "Không sao. Không đau."

Giọng Tuấn Anh chậm rãi: "Chúng ta nói chuyện một lát được không?"

"Không. Tôi không có gì để nói hết, cậu về đi, tôi còn phải đi làm."

"Tôi đưa em đi làm?"

"Không cần." Tôi từ chối.

Tuấn Anh vẫn kiên trì, giơ tay lên cao một chút, "Vậy em ăn sáng rồi hẵng đi, tôi có mang đồ ăn cho em."

Thì ra cái túi to đùng cậu ấy xách nãy giờ là để dành cho tôi.

Trông không phù hợp với bộ đồ tây lịch lãm cậu ấy đang mặc gì cả. Giày đen bóng loáng, nguyên cây vest màu kem nhạt, áo sơ mi đen, tóc được chải chuốt vuốt gel gọn gàng...

Đi đâu mà ăn mặc đẹp dữ vậy? Vẫn là tìm vợ rồi tiện thể tạt qua đâm dao vào tim tôi sao?

Ăn mặc nghiêm chỉnh như thế mà trong tay lại xách theo túi bọc lỉnh kỉnh, cứ như ông bố bỉm sữa vậy.

Nghĩ đến đây... tôi lại thấy buồn, khuôn mặt không tỏ rõ thái độ nhưng ngón tay cái liên tục cào tróc lớp vỏ cây trong tay.

Có lẽ vào buổi trưa mỗi ngày, vị giám đốc điển trai ngoài kia nắng cũng như mưa đều mang dáng vẻ này đi đưa cơm cho vợ.

Sáng vui vẻ đưa đi làm, tối cưng chiều đến đón về.

Xe hơi đón đưa, giày cao gót chưa từng chạm đất.

Còn tôi thì sao? Lúc nào cũng bơ vơ một mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ đã tróc màu sơn, nắng thì trùm áo khoác lùm tùm, mưa thì tất tả vội đạp về nhà, có ngày đi làm thêm lủng săm dắt bộ cả mấy cây số, có khi tuột xích đứng sửa tay chân lấm lem toàn nhớt đen sì.

Tôi bỏ nhánh cây vào bồn, lập tức quay mặt vào trong.

Tôi đang nghĩ cái quái gì vậy? Tôi có địa vị để so sánh sao? Tôi có tư cách để tủi thân ư?

Chưa đi được hai bước thì người kia cao giọng: "AN!!!"

Tôi dừng lại.

Phía sau lên tiếng: "Tôi có thể vào trong được không?"

Tôi cắn môi, từ chối: "Không."

Tuấn Anh tiếp tục nói: "Tôi vào ngồi một lát cũng không được ư? Chỉ một lát thôi."

"Không được." Vì sợ Tuấn Anh hiểu lầm nơi này là của mình nên tôi nói rõ: "Chỗ này là nhà người khác, tôi chỉ ở nhờ thôi, cậu không thể vào."

"Vậy em nhắn tin hỏi thử xem, biết đâu người ta đồng ý cho tôi vào thì sao?"

"Chú ấy không đồng ý đâu." Tôi nói bừa. "Cậu về đi."

"An à, nếu em không muốn nói chuyện thì em ăn thôi, nhìn em ăn xong tôi sẽ rời đi liền."

Tôi không muốn nghe nữa, rảo bước đi dài, dự định sẽ chủ động hẹn gặp Tuấn Anh vào một ngày khác khi có dũng khí hơn, lúc đó sẽ trả đầy đủ tất cả mọi thứ cho cậu ấy.

Tuấn Anh hét lớn: "Là tự tay tôi nấu."

Nghe thấy vậy, lồng ngực tôi thoáng chốc nóng ran, vì vừa hoảng hốt dùng sức cắn xuống nên phần thịt bên trong môi dưới đã rướm máu tanh nồng.
Chương trước Chương tiếp
Loading...