Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 70: Ngoại truyện 1: Thư tình



Thư tình.

“Tiên phong” thất bại tại lễ trao giải Oscar.

Người thắng cuộc là “Shadow” của nước C.

Kỳ thực ngay từ khi Oscar công bố các đề cử cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên đã xem tất cả các phim lọt vào danh sách nhiều lần, cuối cùng nhất trí cho rằng “Shadow” là mối đe dọa lớn nhất đối với “Tiên phong”.

“Shadow” thực ra là một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn. Tăm tối, nguy hiểm, kỳ ảo mà không mất đi cảm giác ấm áp. “Shadow” nói rằng trên đời này tồn tại thế giới của những chiếc bóng; và trong thế giới đó, trời đất mang một màu trắng xóa, chỉ có cái bóng của vạn vật là thứ hiện hữu duy nhất. Tất nhiên hầu hết cái bóng phải “đi làm”, trong trường hợp có nguồn sáng thì nó đến nhân gian; và cái bóng chỉ trở lại khi chủ nhân của chính nó rơi vào bóng tối hoàn toàn.

Câu chuyện bắt đầu từ mớ rắc rối của một bóng người. Nguyên nhân khiến nó hoài ưu phiền là lâu rồi không đến thế giới nhân loại, bởi chủ nhân của nó bị nhốt vào một hang tối —— Bộ phim mang hơi hướm của dòng ý thức hiện đại, không giải thích tại sao người nọ bị nhốt trong hang động.

Cái bóng quyết định giải cứu chủ nhân. Nhưng nó chỉ là một cái bóng, chẳng thể làm bất cứ điều gì.

Cái bóng khác đề nghị nó hỏi bóng cây cổ nhất trong thế giới mình – một cái bóng già nua đã tồn tại hàng triệu năm, chủ nhân của nó bị chôn vùi trong lòng đất và đang từ từ hóa đá. Đến khi cổ thụ hoàn toàn thành đá, bóng cây chết đi và bóng mới đến thế chỗ. Sau khi được khai quật, chiếc bóng mới có cơ hội tới nhân gian; nếu chưa có ai tìm nó, vậy chiếc bóng đành ngậm ngùi trong thế giới riêng mình.

Bóng người đã trải qua bao điều huyền diệu đầy ý nghĩa trong thế giới bóng đen, cuối cùng tìm thấy bóng cây cổ thụ.

Bóng cây nói với nó rằng: “Cháu chỉ cần ăn cái bóng của hang động, khi ấy trong hang ắt xuất hiện một lỗ hổng. Nhân cơ hội này, chủ nhân của cháu có thể trốn thoát. Nhưng phải trả giá rất đắt, cháu à. Đồng loại ăn thịt lẫn nhau cũng phải biến mất.”

Bóng người quyết định hy sinh bản thân cốt cứu chủ nhân, song thân hình gầy nhom của nó hoàn toàn không có cách nào nhai nuốt cái bóng hang động. Nó thực hiện vô số kế hoạch nhưng đều thất bại; và khi nó đang thút thít trong tuyệt vọng, chiếc bóng hang động tình nguyện bị bóng người ăn thịt.

Bởi lẽ cái bóng ấy từ khi sinh ra đã ở trong thế giới bóng đen. Nó chưa từng nhìn thấy ánh sáng, thế nên muốn đi mở mang tầm mắt.

Khi bóng người ăn mất một phần của nó, hang động trong thế giới nhân loại xuất hiện một lỗ nhỏ cùng với tia nắng ban mai. Nó mang dáng vẻ không hoàn chỉnh đến thế giới mình hằng mong muốn, và trông thấy chủ nhân —— Dẫu là khi chủ nhân của nó chỉ là một hang động đá vôi.

Bóng người và bóng hang động mỉm cười nhìn người nọ bò ra khỏi đấy. Dưới ánh sáng mặt trời, chúng dần dần trở nên trong suốt rồi biến mất.

Chỉ là chẳng mấy chốc, những chiếc bóng mới xuất hiện tuân theo quy luật tự nhiên. Nhưng chúng, không còn là những cái bóng ban đầu.

Chiếc bóng thực ra là phép chiếu nội tâm của con người, hang tối là tình cảnh khốn khó của linh hồn người đó, chuyến phiêu lưu của chiếc bóng là quá trình tự giải cứu, và cuộc đối đầu với cái bóng hang động là sự hòa giải với ác quỷ bên trong.

Tác phẩm ghi lại những cảm xúc nhỏ nhặt nhất trong nội tâm một người, hoàn toàn khác với “Tiên phong”.

“Tiên phong” mở ra thế giới loài người, còn “Shadow” gõ cửa thế giới nội tâm.

Trước khi công bố danh sách đề cử, Trần Đại Xuyên và Lý Tùng Nhất chẳng thể đoán ra ai là người chiến thắng. Đánh giá dựa trên kết quả cuối cùng, ban giám khảo Oscar có vẻ nghiêng về “Shadow” hơn.

Đây là lần thứ ba Trần Đại Xuyên vụt mất giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Khi báo chí Trung Quốc đưa tin, nhiều người đã thở dài ngao ngán. Cũng có một bộ phận nhỏ mỉa mai, rằng Trần Đại Xuyên mãi mãi chẳng làm nên chuyện trên đấu trường thế giới.

Lần đầu tiên lọt vào danh sách đề cử khi Trần Đại Xuyên mười sáu tuổi, đó là thời kỳ huy hoàng nhất của anh.

Lần đề cử thứ hai khi Trần Đại Xuyên hai mươi lăm tuổi, đây là thời kỳ mà kinh nghiệm và khí chất của anh ổn định nhất.

Và lần đề cử thứ ba khi Trần Đại Xuyên đã ba mươi tư tuổi, cũng là thời kỳ chín muồi nhất về tất thảy.

Ba đỉnh cao của một đời diễn viên, đến thế là cùng.

Dẫu thành công hay thất bại của một tác phẩm không thể quy hết cho diễn viên, song chắc chắn rằng trách nhiệm của diễn viên cũng nặng nề chẳng kém. Đặc biệt là nhân vật có quyền lên tiếng như Trần Đại Xuyên, sức ảnh hưởng đến một bộ phim cao đến nhường nào là điều mà ai cũng rõ.

Trần Đại Xuyên thoạt trông có cái nhìn rất thoáng với những nhận xét này, song Lý Tùng Nhất luôn cảm thấy tâm trạng anh đang chùng xuống. Cậu còn nhờ hẳn một trong những nhà phê bình phim nổi tiếng nhất nước Mỹ, viết bài phân tích và nêu cảm nghĩ về “Tiên phong” nhằm an ủi anh.

Nhà phê bình kia nổi tiếng với ngòi bút sắc sảo gai góc, hiếm khi nào dành những lời có cánh cho tác phẩm điện ảnh ngoại quốc. Nhưng đối với “Tiên phong”, anh đã nói rằng:

“Sở dĩ “Tiên phong” không thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar vì ban giám khảo chưa tìm hiểu sâu về lịch sử, vừa khéo tôi là Tiến sĩ lịch sử nhân loại.

Theo tôi, phần cảm động nhất của “Tiên phong” ắt là cái nhìn về tổng thể lịch sử. Đặc biệt là ánh mắt cuối cùng của Trần Đại Xuyên. Anh ấy như trông thấy hình bóng của lịch sử và dòng thời gian chảy xuôi qua mình. Tôi có cảm giác, ngàn năm văn hiến đã lắng đọng trong đôi mắt vô hồn ấy.

Thiết nghĩ chỉ mỗi Trung Quốc mới có thể làm một tác phẩm như thế, và cũng chỉ có lịch sử kéo dài hơn năm nghìn năm của Trung Quốc mới là điều kiện cho một tác phẩm lịch sử vĩ đại ra đời. Trẻ em Trung Quốc từ khi biết nói đã phải học Tứ Thư Ngũ Kinh[1] của người xưa từ hàng nghìn năm trước. Loại hình giáo dục từ nhỏ này đã âm thầm định hình con người nói riêng và đất nước nói chung một cách vững chắc.

Văn hóa Trung Quốc – đại diện cho tính tiềm ẩn và giàu tượng hình, vừa là điểm đặc sắc vừa là rào cản của đất nước này.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của dòng phim nghệ thuật đã làm suy yếu rào cản văn hóa. Những gì không thể thốt thành lời có thể truyền đạt thông qua hình ảnh, âm nhạc, cốt truyện và diễn xuất; khiến người xem có cái nhìn tuy không trực quan nhưng lại đong đầy cảm xúc về nền văn minh Trung Quốc.

Nếu phim Hoa ngữ có thể tiếp tục nắm bắt bản chất của việc phá bỏ rào cản văn hóa, tôi tin rằng tác phẩm của họ nhất định vươn lên toàn cầu.”

[1] Tứ Thư Ngũ Kinh: là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm: Đại Học (大學), Trung Dung (中庸), Luận Ngữ (論語), Mạnh Tử (孟子). Thông thường người ta hay nói là: Tứ Thư Ngũ Kinh.

“Khen nhiều lắm nè.” Lý Tùng Nhất đọc bài đánh giá phim cho Trần Đại Xuyên, rồi nói. “Người ta thiếu điều đưa ánh mắt cuối cùng của anh vào list cảnh phim kinh điển nhất mọi thời đại.”

Trần Đại Xuyên cười nhạt.

Lý Tùng Nhất thầm thở dài, xem ra nên cho anh ấy thời gian từ từ bình tĩnh lại.

Và thế là một ngày nọ, Trần Đại Xuyên phát hiện Lý Tùng Nhất trở nên lén la lén lút.

Đầu tiên, cậu không làm lành với Trần Đại Xuyên, cũng chẳng ở lại phòng ngủ chính; thay vào đó thường nghỉ ngơi tại phòng cho khách. Trần Đại Xuyên hỏi cậu làm gì trong đó, Lý Tùng Nhất bảo rằng cần không gian yên tĩnh cốt đọc sách.

Chẳng lẽ phòng làm việc sáng sủa đầy đủ tiện nghi của anh còn kém hơn phòng ngủ phụ ấy?

Lý Tùng Nhất bèn trả lời: “Nhìn đống cúp trong tủ của anh, lòng em cứ nói bất công. Xem không vào gì hết.”

Sau đó Lý Tùng Nhất thường xuyên gặp gỡ các nhà sản xuất điện ảnh nức tiếng trong giới, chưa kể còn ra ra vào vào nhiều tụ điểm ăn chơi với họ; cuối cùng còn bị cánh phóng viên tung ảnh hai lần, đấy là chưa tính những lần không có bằng chứng.

Với các điều kiện trên, mời bạn tính diện tích “màu xanh” trên đầu Trần Đại Xuyên.

Phong cách làm việc của Trần Đại Xuyên vốn thô lỗ mạnh bạo. Khi trông thấy Lý Tùng Nhất vừa trở về biệt thự đã chui tọt vào phòng cho khách rồi khóa trái cửa, anh liền đẩy cửa vào.

Lý Tùng Nhất giật thót: “Sao anh vào được?”

Trần Đại Xuyên nhún vai: “Anh có quyền vào tất cả các phòng trong biệt thự.”

Lý Tùng Nhất tức anh ách, không có thời gian giấu giếm “chứng cứ phạm tội”.

Trần Đại Xuyên bước tới xem xét, trên bàn có vài quyển sách và cuốn sổ tay đang mở ra. Anh lật bừa vài trang, tất cả đều nói về cách làm phim như “Hướng dẫn hoàn chỉnh cho nhà sản xuất”, “Hướng dẫn hoàn chỉnh về cách dựng phim” hay “Sổ tay dành cho nhà sản xuất mới vào nghề”.

Hóa ra, em ấy đọc sách thật.

Trần Đại Xuyên nhìn Lý Tùng Nhất: “Em đang làm gì vậy?”

Lý Tùng Nhất thấy không thể giấu giếm, bèn nói: “Anh ngồi xuống trước đã, em sợ anh lên tăng xông mất.”

Trần Đại Xuyên ngồi xuống mép giường, muốn xem thử Lý Tùng Nhất đang làm trò quái gì.

“Ngồi vững chưa?” Lý Tùng Nhất hỏi.

Trần Đại Xuyên gật đầu.

Lý Tùng Nhất ưỡn ngực, nhìn thẳng vào mắt Trần Đại Xuyên: “Em muốn viết cho anh bức thư tình có một không hai.”

Trần Đại Xuyên: “…” Nể mặt em, anh bấm bụng nhịn cười.

Lý Tùng Nhất cau mày: “Sao anh không cảm động hả?”

Trần Đại Xuyên nói: “Ít nhất em nên kể cho anh đầu đuôi mọi chuyện chứ.”

Lý Tùng Nhất bảo: “Thì em thấy anh buồn vì trượt giải Oscar, muốn đích thân làm một tác phẩm cho anh giật giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Ban đầu em tính đi học khóa đạo diễn nữa kìa. Nhưng phát hiện nhiều kiến thức quá, sợ một sớm một chiều không nuốt trôi. Thế là em chuyển hướng sang nhà sản xuất. Quan trọng nhất, bản quyền thuộc về nhà sản xuất nữa nghen.”

Trần Đại Xuyên bật cười: “Đâu có nghiêm trọng như em nghĩ. Anh chỉ hơi thất vọng thôi, chuyện thường cả.”

Lý Tùng Nhất nhỏ nhẹ: “Ngay cả một chút thất vọng, cũng đừng hòng ăn hiếp anh của em.”

Trần Đại Xuyên nổi da gà: “Em học cái này từ ai?”

“Thai Hành ý.”

“Người ta chưa từng yêu, em học được cái gì từ người ta hử?”

“Cũng đúng.” Lý Tùng Nhất gật đầu. “Nhưng không sao. Ảnh có lý thuyết, em có thực hành. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân của em thì vẫn đáng tin chán. Thư tình có một không hai, vừa nghe đã thấy phê.”

“Rồi rồi rồi.” Trần Đại Xuyên lắc đầu cười khẽ. “Vậy thì nhà sản xuất à, em học tới đâu rồi?”

“Sắp xong, em thấy bây giờ có thể áp dụng vào thực tiễn.” Lý Tùng Nhất vỗ ngực, đoạn nhíu mày. “Có điều em đang gặp một vấn đề mà tất cả nhà sản xuất trên thế giời đều phải đối mặt… Kinh phí.”

Hóa ra cái hố chờ anh nằm ở đây.

Trần Đại Xuyên ngả lưng xuống giường, thở dài thườn thượt: “Em đánh phủ đầu anh bằng sáu chữ “thư tình có một không hai”, tiền của anh còn không phải của em nữa à?”

“Chưa chắc lỗ mà.” Lý Tùng Nhất cười tít mắt. “Anh nói thật cho em nghe đi, tiền của anh đủ cho em thua mấy bộ?”

Trần Đại Xuyên thở ra: “Anh rốt cuộc tìm được nguyên nhân tại sao ba chục năm qua phải dốc sức kiềm tiền, chắc là để bây giờ cho em thua bao nhiêu bộ tùy thích.”

“Thế ư?” Lý Tùng Nhất cười. Sao mấy câu nói vu vơ của Trần Đại Xuyên còn cảm động hơn lời âu yếm mà Thai Hành đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhỉ?

“À, cho em xem cái này.” Trần Đại Xuyên đưa điện thoại cho Lý Tùng Nhất.

“Gì vậy?” Lý Tùng Nhất xem thử, đó là một bài đăng đang rất phổ biến: # Nhờ_vả_bà_con Đây có phải là chữ viết tay của Lý Tùng Nhất không?

Lý Tùng Nhất vừa thấy bình luận top đầu đã nhớ ra chợ đêm ở thành phố B, cậu và Trần Đại Xuyên đã ký tên cho một cô bé. Cậu viết “Lý Tùng”, còn Trần Đại Xuyên viết “Tuyên Từ”.

Vì “Lý Tùng” và “Lý Tùng Nhất” giống hệt nhau, vả lại sau khi Lý Tùng Nhất trở về đã tổ chức nhiều buổi ký tặng, cô gái càng nhìn càng cảm thấy hai chữ viết tay giống y đúc nên đã nhanh chóng đăng lên mạng nhờ fans chứng thực.

Trong bài đăng có vô vàn fans cứng của Lý Tùng Nhất, họ một mực khẳng định đây là chữ viết tay của cậu. Nhưng cũng có bình luận bảo rằng, có lẽ là photoshop lừa gạt lấy tiền hoặc ai đó bắt chước mà thôi.

Chữ “Tuyên Từ” bên cạnh mới khó hiểu nhất. Khi mọi người đang thảo luận “Tuyên Từ” là ai, một fan lâu năm của Trần Đại Xuyên chợt lên tiếng: Ừ thì… sao giống chữ A Xuyên nhà tui vậy trời?

Cô cũng đưa ra bằng chứng: Mặc dù A Xuyên không viết hai chữ “Tuyên Từ” trong những dịp khác, nhưng ảnh từng viết chữ “Tuyên” trong sự kiện này nè. Nét bút giống hệt vậy, phong cách đặc trưng dễ nhận biết. [Ảnh_01] [Ảnh_02]

Rồi chủ bài đăng kể lại tình huống đêm đó: Cụ thể là vầy. Bữa đó tui đi dạo chợ đêm, gặp hai anh kia bịt kín mặt mũi. Nhưng tui vẫn đánh hơi được đích thị là trai đẹp. Tui chả care hai ảnh là ai, cứ chạy tới xin chữ ký trước đã!

Có người thấy vậy bèn lần theo thời gian mà chủ bài đăng đã nói. Hôm đó Lý Tùng Nhất quả tình đang diễn kịch nói ở thành phố B. Tuy Trần Đại Xuyên không ở đấy, nhưng anh tham gia lễ từ thiện ngay thủ phủ của tỉnh A – chẳng cách bao xa với bên kia. Theo lý thuyết, hai người vẫn có khả năng gặp nhau. Có điều khi đó, Trần Đại Xuyên và Lý Tùng Nhất còn chưa hợp tác thì gặp nhau làm gì? Và tại sao Trần Đại Xuyên lại ký hai chữ “Tuyên Từ”?

Nhiều mối nghi ngờ không ai giải đáp, mọi người trong bài đăng đang kêu gào thảm thiết.

Lý Tùng Nhất với con mắt chuyên nghiệp của một nhà sản xuất cho hay: “Đây là cơ hội quảng bá “Con tin” đó. Nếu anh công bố dự án phim lịch sử “Con tin”, mọi người ắt hiểu “Lý Tùng” và “Tuyên Từ” có nghĩa là gì. Netizens bảo đảm phát cuồng, tưởng hai mình đã hợp tác từ ba năm trước.”

Rốt cuộc đã nói đến chủ đề mà Trần Đại Xuyên muốn nói nhất. Anh rướn người, nhìn Lý Tùng Nhất: “Em muốn quay “Con tin” à?”

Lý Tùng Nhất ngớ ra. Trần Đại Xuyên đã hỏi câu này, chả lẽ… anh không muốn quay?

Nghĩ đoạn, Lý Tùng Nhất nói: “Quay hay không cũng chả quan trọng.”

“Ừm?”

Lý Tùng Nhất cười: “Dù bây giờ bấm máy, chưa chắc em đã diễn đạt Lý Tùng. Tuyệt vọng từ sâu bên trong và hạnh phúc từ sâu bên trong, dù diễn xuất có tốt đến đâu cũng chẳng thể che giấu hoàn toàn.”

Bờ mi Trần Đại Xuyên thoáng run rẩy.

“Nhưng dù sao đã viết kịch bản, không quay thì phí quá.” Lý Tùng Nhất nói. “Chờ anh ẵm giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, hoàn thành nguyện vọng của anh ở kiếp này; sau đó mình quay “Con tin”, cho kiếp trước một lời giải thích ha?”

“Khi đó, mình marketing “Con tin” theo kiểu phục bút[2] để lại từ mấy năm trước.”

“Trời ơi, có nhà sản xuất nào giỏi như em không!”

Chú thích [2].

Trần Đại Xuyên hỏi: “Nhỡ anh không bao giờ lấy giải thì sao?”

“Làm gì có.” Lý Tùng Nhất nhướng mày. “Có em ở đây, dễ như trở bàn tay.”

Trần Đại Xuyên nằm xuống giường, cười khẽ: “Lấy hay không cũng chả quan trọng.”

Lý Tùng Nhất nhìn anh, bảo: “Anh có biết, tư thế của anh bây giờ giống như đang mời gọi không?”

“Ừ, anh đang mời.” Trần Đại Xuyên thú nhận.

Lý Tùng Nhất xoa tay, bổ nhào vào Trần Đại Xuyên.

Hơn bảy chục kí-lô thình lình đè lên người, khiến Trần Đại Xuyên buộc lòng phải rên khẽ.

Lý Tùng Nhất ngồi trên eo anh, cười ha hả: “Anh không được gì hết.”

Trần Đại Xuyên ôm mặt Lý Tùng Nhất, đoạn ngồi dậy hôn lên khóe môi cậu: “Anh được hay không, em biết rõ còn gì.”

Lý Tùng Nhất thoáng im lặng, đoạn nói: “Eo anh mạnh ghê.” Gập bụng không khó tí nào.

Trần Đại Xuyên tức cười: “Anh làm không tốt ở đâu? Em rốt cuộc có hiểu lầm gì với thân thể của anh? Hửm?”

Trần Đại Xuyên lật Lý Tùng Nhất xuống giường, rồi đè lên người cậu.

Dẫu có hiểu lầm gì chăng nữa, hôm nay mọi thứ đều được giải quyết.

*

Hết ngoại truyện 1
Chương trước Chương tiếp
Loading...