Thiều Hoa Vì Quân Gả

Chương 4: Tiết gia



Edited by Bà Còm

Sau khi phụ mẫu của Tiết Thần thành thân cũng không có "cầm sắt hòa minh" mà thể hiện đầy đủ sự khác biệt về học thức, Tiết Vân Đào yêu thích thi văn còn Lư thị thì thích tính sổ, cho nên đại đa số thời gian đều không có đề tài chung. Sau khi mẫu thân chết, Tiết Vân Đào liền cưới Từ Tố Nga, là ngoại thất đã dưỡng bên ngoài nhiều năm. Từ Tố Nga là nữ nhân thi thư đầy bụng thông tình đạt lý, là nữ tử Giang Nam điển hình, trời sinh uyển chuyển quyến rũ, giọng nói mềm mại ôn nhu như có thể vắt ra nước. Nhưng chỉ có Tiết Thần mới biết nữ nhân này có bao nhiêu lợi hại.

Ả ta cùng với nữ nhi Tiết Uyển đã từng bước bức Tiết Thần vào tuyệt lộ, khiến cho nàng cùng cha ruột tranh chấp quyết liệt, làm cho nàng coi danh dự của mình như rác mà quét đi, biến nàng thành câu chuyện cười truyền miệng trong thiên hạ. Hai người bọn chúng bá chiếm của hồi môn của mẫu thân, cười vui nhìn nàng ở trong kẽ hở giãy giụa. So sánh với số phận thê thảm của nàng, Từ Tố Nga lợi hại hơn nhiều, khi trẻ ả ta không so đo danh phận làm ngoại thất của Tiết Vân Đào, sinh hạ nữ nhi Tiết Uyển và nhi tử Tiết Lôi, những việc này mãi cho tới một năm sau khi Lư thị chết mới bị mọi người biết đến, Tiết Vân Đào không màng lời dị nghị cưới văn tài nho nhã Từ Tố Nga. Chuyện này cũng giống như năm đó Tống An Đường thèm nhỏ dãi sắc đẹp của nàng, cho dù biết nàng là đích nữ tang mẫu thanh danh không tốt vẫn nhất định "làm việc nghĩa không lùi bước" cưới nàng vào cửa.

Mà Tiết Thần thừa nhận mình đã bị buộc vào tuyệt lộ khi sử dụng chiêu số trên người Tống An Đường, thật ra chính là học của Từ Tố Nga. Hai người đều dùng con đường câu dẫn nam nhân, chẳng qua vận khí của Từ Tố Nga tốt hơn so với nàng, gặp được chính là Tiết Vân Đào, mà nàng gặp được lại là Tống An Đường. Năm đó nàng chỉ một lòng muốn tìm người không hề bị Từ Tố Nga coi thường để nương tựa, vì thế mới đem chính mình đưa vào Trường Ninh Hầu phủ Tống gia, ở trong nhà đó nàng đã chịu không ít khổ sở mà người khác căn bản không hiểu. Nàng hao hết tâm lực cùng bà bà và đại cô ở chung, nhưng nữ nhân Tống gia không có một kẻ nào là "đèn cạn dầu", ai cũng tham lam ích kỷ ngang ngược đến trình độ cực phẩm. Tuy sau này Tiết Thần trở nên cường thế nhưng ở trong tay bọn họ cũng ăn không ít mệt, tuy nói sau này cái nhà kia cũng bị nàng chế phục nhưng cũng hành nàng đến sức cùng lực cạn, rốt cuộc qua đời khi tuổi còn trẻ.

Lúc này Tiết Vân Đào thất thanh khóc lớn làm cho Tiết Thần không ngờ được, trong trí nhớ của nàng, trước nay phụ thân đều rất tuyệt tình với mẫu thân, nàng không nhớ rõ năm đó lúc mẫu thân chết thì phụ thân có khóc trước linh đường của bà hay không? Nhưng hiện tại rõ ràng ông đang ôm nàng khóc rống, vậy có phải Tiết Thần có thể cho rằng, thật ra phụ thân cũng không phải không có cảm tình đối với mẫu thân của nàng?

Ma xui quỷ khiến làm nàng sờ sờ mặt Tiết Vân Đào, muốn nhìn một chút nước mắt trên mặt của ông là thật hay giả, những giọt nước mắt ấm áp rơi trên mu bàn tay của nàng, còn mang theo độ ấm trong mắt của ông. Tiết Vân Đào cố gắng cầm nước mắt, Tiết Thần nhìn thấy cũng thập phần chua xót. Sau khi hai cha con đối diện với nhau một lát, Tiết Vân Đào mới ôm nàng ngồi xuống trên chồng đệm hương bồ nàng dùng để kê chân, dùng giọng nói ôn nhu mà Tiết Thần chưa bao giờ được nghe nói với nàng: “Nương của con tuy rằng không còn, nhưng con còn có cha.”

Nhưng con... còn có cha?

Tiết Thần muốn nở nụ cười châm chọc, lại phát hiện mình căn bản cười không nổi. Biểu tình của phụ thân lúc cùng nàng đoạn tuyệt quan hệ cha con Tiết Thần còn cảm thấy rõ ràng trước mắt, tuy nói ở phương diện này không thể thiếu công lao của Từ Tố Nga cùng Tiết Uyển, nhưng phàm là Tiết Vân Đào có một chút tình phụ tử thì cuộc sống của nàng sau đó đã không thê thảm như vậy, người nam nhân này ở trong lòng Tiết Thần vẫn luôn là người vô tình lạnh nhạt, nhưng hình tượng đó không thể nào trùng hợp với khuôn mặt tiều tụy bi thương bi thống của người nam nhân ngay trước mắt nàng.

Nàng theo bản năng ôm chặt Tiết Vân Đào, muốn tiếp tục giữ mãi ảo cảnh này, muốn giữ chặt tình thương của một người cha mà nàng thèm nhỏ dãi đã lâu, cho dù đây là ảo giác cũng được. Cái ảo giác này có phải là cảnh thường có khi người sắp chết được hoàn thành tâm nguyện hay không? Nếu không phải được nhận trong lúc này, Tiết Thần còn không biết hóa ra mình có khát vọng mãnh liệt với tình thương của phụ thân như vậy.

Lúc Đồng nương lại tiến vào một lần nữa liền thấy Tiết Vân Đào ôm Tiết Thần, hai cha con đều có biểu tình bi thống giống nhau, ngồi dựa vào quan tài của Lư thị.

“Lão gia, khách khứa bên ngoài đều tới tề tựu, người phúng viếng cũng đang chờ bên ngoài, ngài xem...”

Khách khứa còn chưa tiến vào phúng viếng, chứng tỏ Lư thị đã chết không quá một ngày.

Đồng nương muốn tiếp nhận Tiết Thần từ trong tay Tiết Vân Đào, chỉ là Tiết Thần hai cánh tay vẫn ôm chặt Tiết Vân Đào không chịu rời ông ra. Đồng nương vươn tay có chút xấu hổ, Tiết Vân Đào duỗi tay vuốt ve gương mặt Tiết Thần thấp giọng nói: “Thần nhi ngoan, cha đi ra ngoài một chút liền trở về, con cùng Đồng nương đi vào rửa mặt, chờ lát khách khứa vào phúng viếng, con liền quỳ gối bên cạnh cha túc trực linh cữu của nương được không?”

Tiết Thần cảm thấy mình lại muốn khóc, Tiết Vân Đào trước nay chưa hề dùng thanh âm như vậy cùng nàng nói chuyện, mỗi khi nàng nháo lên muốn gây sự chú ý của Tiết Vân Đào, ông đáp lại nàng nếu không là ánh mắt lạnh nhạt thì chính là hồi thở dài thất vọng, nếu nháo đến lợi hại thì cũng sẽ nghiêm khắc răn dạy, nhưng chưa từng bao giờ dùng thanh âm như vậy nói chuyện với nàng, thanh âm ôn nhu này trước nay chỉ dành riêng cho Tiết Uyển và Tiết Lôi.

Nàng vẫn không chịu buông tay, Tiết Vân Đào không còn cách nào, khách khứa bên ngoài đang chờ để tiến vào phúng viếng, ông phải ra ngoài cùng quản gia an bài một chút mới được, đành phải kéo tay Tiết Thần ra, đem tay nàng đưa đến trong tay Đồng nương, sau đó lại vuốt ve mặt nàng an ủi rồi mới ra khỏi linh đường. Tiết Thần còn muốn chạy theo giữ ông lại nhưng bị Đồng nương nắm chặt tay kéo nàng vào gian trong rửa mặt.

Mấy ngày kế tiếp, Tiết Thần vẫn ngu ngơ như cũ, chỉ biết mấy ngày nay bận rộn đến rối tinh rối mù. Mỗi tối Tiết Vân Đào đều ngủ trên đống rơm bên cạnh quan tài của Lư thị, muốn Tiết Thần vào trong ngủ trên giường đệm nhưng Tiết Thần nhất định không chịu, Tiết Vân Đào bất đắc dĩ đành phải để nàng cùng ngủ với ông.

Trải qua nhiều ngày như vậy, Tiết Thần rốt cuộc cũng ý thức được tất cả những cảnh phát sinh hiện giờ đều không phải cảnh trong mơ, mà là cảnh thật tại thế giới hiện thực. Nói cách khác, mặc kệ tin hay không thì nàng đã thật sự trở lại năm nàng mười một tuổi, thời điểm mẫu thân vừa mới mất. Nàng không biết đây rốt cuộc là chuyện như thế nào, nhưng nó đúng là đã xảy ra.

Sau khi trọng sinh, Tiết Thần bám lấy Tiết Vân Đào một lát không rời, nguyên do thứ nhất là nàng vô hạn khát vọng tình phụ tử, thứ hai là sau khi trở lại thế giới này, người cùng nàng thân nhất cũng chỉ có phụ thân này thôi.

Dân cư Tiết gia nói đơn giản cũng không phải mà nói phức tạp cũng không đúng. Tiết gia chỉ có hai phòng, hơn nữa đã phân gia. Phụ thân của Tiết Vân Đào là Tiết Kha, tiến sĩ năm Tân Dậu, làm cát sĩ mấy năm, vốn có tiền đồ rất tốt nhưng lại bị liên lụy vào vụ án tiết lộ đề thi trong khoa khảo. Đại phòng Tiết gia sợ bị vạ lây, lão gia đại phòng Tiết Lâm liền chủ động đưa ra đề nghị phân gia với Tiết Kha, lại không chịu chia đều gia sản, Tiết Kha đương nhiên không đồng ý, chết sống cắn chặt đại phòng không bỏ. Sau đó vụ án liên lụy càng ngày càng nhiều, nháo đến mức dư luận xôn xao "trông gà hoá cuốc", Tiết gia đại phòng mới hạ quyết tâm "thằn lằn cắt đuôi", dùng một nửa gia sản đổi lấy gia trạch bình an. Gia sản của Tiết gia là do tổ tiên truyền xuống, nếu chia đều thì ngay cả tổ trạch cũng là mỗi người một nửa. Tổ trạch của Tiết gia chiếm hai ngõ nhỏ liền nhau, một bên là ngõ Hoan hỉ một bên là ngõ Yến tử, ngõ Hoan hỉ dài hơn nên dành cho đại phòng Tiết gia, còn phần thuộc về ngõ Yến tử thì giao cho thứ phòng. Mà sau khi phân gia thì quả nhiên Tiết Kha đã chịu liên lụy, ngay cả tòa nhà còn chưa kịp sửa chữa xong đã bị kết tội cùng với Hàn lâm học sĩ Đỗ Nhiễm bị lưu đày đi Tây Bắc, toàn bộ gia sản giao về cho phủ nha. Đại phòng Tiết gia cho rằng Tiết Kha như vậy là xong đời, tuy rằng hơi tiếc bị mất một nửa gia sản vào phủ nha nhưng cũng cảm thấy may mắn không bị vạ lây.

Cứ như vậy mà qua đi vài năm, không ngờ Tiết Kha trắc trở thế mà lại trở về, nguyên nhân chính là nhờ vị Hàn lâm học sĩ Đỗ đại nhân cùng ông đi lưu đày dành được Đế tâm, bị lưu đày chỉ là tạm thời. Lúc Hoàng đế đem Đỗ đại nhân triệu hồi là lúc Đỗ đại nhân cũng thuận miệng nâng đỡ Tiết Kha, khiến ông cũng được tha tội trở về kinh thành. Tiết Kha đại nạn không chết, không chỉ sau khi trở về được quan phục nguyên chức và lấy về gia sản sở hữu mà còn được diện kiến Thánh thượng, ngoài chuyện được ban thưởng còn được cái thanh danh ‘Nghĩa dũng’, không đầy hai năm đường quan chức thông suốt, lên được tới tứ phẩm học sĩ chưởng Hàn Lâm Viện. Tiết Kha chỉ có một Tiết Vân Đào là nhi tử duy nhất, Tiết Vân Đào cũng thực biết tranh đua, năm Bính Dần khảo trúng Giải Nguyên, một năm sau lại khảo trúng Tiến sĩ, thuận lợi vào lục bộ quan chính làm Tiến sĩ quan chính, một năm sau lại nhập Hàn Lâm Viện làm Biên tu. Sau khi đi một vòng rốt cuộc lại được "cùng ngồi cùng ăn" với Trạng Nguyên cùng khoa, thân phận "nước lên thì thuyền lên", lại có Tiết Kha bên cạnh nâng đỡ, Tiết Vân Đào ở trong quan trường rất thuận lợi. Mấy năm sau lại thăng Học sĩ phụ giảng, ngày ngày có thể thường xuyên xuất nhập trong cung, cùng Hàn lâm học sĩ dạy học cho các Hoàng tử.

Hiện giờ tổ trạch của Tiết gia thứ phòng chỗ ngõ Yến tử được sửa chữa rực rỡ hẳn lên loại đi không khí mốc meo. Sau khi Tiết Vân Đào cùng Lư thị thành thân, Tiết Kha liền đem tòa nhà này giao cho phu thê Tiết Vân Đào, còn ông thì dọn đến tòa nhà được Thánh thượng thưởng ở phố Chu Tước. Tuy tòa nhà đó chỉ là ba gian tiểu trạch, không thể so được với tòa nhà ở ngõ Yến tử, nhưng Tiết Kha cảm thấy cũng đủ ở, rốt cuộc cho dù nhỏ thì cũng là ơn trạch do Thánh thượng ban, phố Chu Tước lại là nơi "tấc đất tấc vàng", ông chỉ là một quan tứ phẩm mà được một tòa tiểu trạch ở đó thì cũng rất có thể diện rồi.

Mà lúc này Lư thị mất, tang sự làm ở ngõ Yến tử, lui tới đều là bằng hữu của Tiết Kha và Tiết Vân Đào, người đến cũng không ít. Ở phương diện tổ chức tang lễ cho Lư thị, Tiết Vân Đào thật không keo kiệt làm rất phô trương, một trăm linh tám tăng nhân niệm vãng sinh chú, các tăng nhân ở đông trắc viện liên tục niệm bảy bảy bốn mươi chín ngày, di thể của Lư thị để ở trong nhà hai mươi mốt ngày, sau khi thiêu tam thất thì mới đưa tang xuống mồ an nghỉ.

Tiết Thần hồi tưởng về lễ tang của mẫu thân đời trước, dường như cũng kéo dài rất lâu, chẳng qua lúc ấy nàng ỷ lại vào Đồng nương, bởi vì một khi tới gần linh đường thì mùi hôi của tử thi nồng lên rất khó ngửi, tuy rằng biết người trong quan tài là mẫu thân thường ngày rất yêu thương nàng, nhưng Đồng nương nói dù sao đó cũng chỉ là một thi thể, nàng nghe Đồng Nương nói vậy thì vẫn luôn trốn ở nội gian không dám ra ngoài.

Không ngờ đời trước bởi vì sợ hãi mà đã đánh mất hoàn toàn cơ hội nhận thức phụ thân, nhưng sau đó thì sao, chẳng lẽ Tiết Vân Đào bèn bỏ rơi nàng luôn? Sau khi Tiết Thần nỗ lực hồi tưởng lại mới kinh ngạc phát hiện một sự kiện, năm đó Tiết Vân Đào tựa hồ có hỏi qua nàng muốn dọn vào viện của ông hay không? Chính là Đồng nương, Đồng nương nói rất nhiều về nữ nhi lớn rồi thì phải tránh phụ thân, đến nỗi khiến nàng nói với Tiết Vân Đào ‘không cần cha chiếu cố, nữ nhi có Đồng nương và Bình nương chăm sóc đã đủ rồi ’. Tiết Vân Đào nghe xong cũng chưa nói gì, chỉ là qua mấy ngày liền dọn ra khỏi ngõ Yến tử đi đến ký túc xá của Hàn Lâm Viện ở gần nửa năm, mà bên người nàng vẫn luôn là Đồng nương và Bình nương chiếu cố. Đồng Nương thay nàng quản lý của hồi môn mà nương lưu lại cho nàng, còn Bình nương thì chăm sóc sinh hoạt của nàng. Thẳng đến sau một năm mãn tang, phụ thân bèn đem Từ Tố Nga và Tiết Uyển nghênh vào cửa, Từ Tố Nga trở thành kế mẫu của nàng còn Tiết Uyển thì thành muội muội.
Chương trước Chương tiếp
Loading...